Sụp mi ở trẻ em
1. Đại cương
Sụp mi là tình trạng mi trên sa xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể sụp với các mức độ khác nhau, 1 hoặc cả 2 bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.
2. Phân loại
Sụp mi bẩm sinh
Sụp mi ở trẻ em là bệnh lý thường gặp trong đó sụp mi 1 mắt chiếm 75% các trường hợp. Bệnh này gặp ở khoảng 1,8% trẻ sơ sinh và có thể biểu hiện đơn thuần hoặc phối hợp với các dị tật bẩm sinh khác như tật khúc xạ, vận nhãn hoặc dị dạng sọ mặt…Bệnh thường phát hiện ngay từ khi mới sinh, nguyên nhân do kém phát triển một phần hoặc toàn bộ cơ nâng mi trong quá trình phôi thai
Sụp mi mắc phải
Sụp mi mắc phải xuất hiện trong bất kì thời gian nào và bất kì độ tuổi nào. Nguyên nhân thường gặp do chấn thương, bỏng, nhược cơ, liệt thần kinh, u chèn ép…
Triệu chứng lâm sàng
Độ mở khe mi nhỏ hơn bình thường
Khi nhìn, người bệnh thường ngửa đầu lên trên kèm nhăn trán hoặc nghiêng đầu để nhìn rõ, đôi khi có thể song thị
Trẻ có thể nhìn mờ hoặc nhược thị, lác mắt do đồng tử bị che lấp trong thời gian dài
Nếu sụp mi do các bệnh toàn thân khác, trẻ cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nếu không được phát hiện có thể ảnh hưởng đến tính mạng
3. Điều trị
Mục đích: làm cho độ mở khe mi của mắt bị sụp bằng độ mở khe mi của mắt bình thường.
Phương pháp chủ yếu là phẫu thuật.
Sụp mi do thần kinh hoặc do yếu cơ nâng mi… thường sử dụng 2 phương pháp phẫu thuật là rút ngắn cơ nâng mi trên và treo mi – cơ trán. Ở trẻ em, sụp mi bẩm sinh thường được chỉ định ở lứa tuổi từ 3 – 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu sụp mi nặng có thể gây nhược thị hoặc lệch đầu, vẹo cổ thì cần phải mổ sớm hơn.
Tại Bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng, chúng tôi đã triển khai phẫu thuật treo mi- cơ trán bằng dây silicon vài năm nay và cho kết quả tốt. Chất liệu này có ưu điểm là trơ, không tương hợp với tổ chức xung quanh, mềm dẻo, có khả năng đàn hồi tốt nên có thể dễ dàng giãn ra khi mắt nhắm, đặc biệt làm giảm tình trạng hở mi khi ngủ, giảm biến chứng viêm giác mạc sau này.
Ghi chú: một vài hình ảnh bệnh nhân sụp mi trước và sau phẫu thuật tại bệnh viện Trẻ Em Hải
Khoa Mắt RHM - Mạc Phạm Văn